Quy định xử lý kỷ luật, sa thải lao động
Câu trả lời
Câu hỏi:
Tôi có vấn đề cần được tư vấn như sau: 1. Nếu người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc thì người sử dụng lao động có được tiến hành họp kỷ luật ngay không hay phải xác minh thông tin ốm đau theo chế độ, vì bên tôi có một số trường hợp ốm đau nhưng giấy tờ mang vào sau. 2. Trog trường hợp xử lý kỷ luật sa thải, người sử dụng lao động phải thông báo bao nhiêu lần đến người lao động, khoảng cách các lần bao lâu, theo địa chỉ tạm trú hay thường trú nếu trường hợp người lao động không chịu vào công ty để tham gia quá trình xử lý kỷ luật. 3. Chi trả lương nghỉ việc cho trường hợp sa thải kỷ luật có phải được thực hiện khi có quyết định kỷ luật sa thải hay không, vì nếu thời gian đợi xử lý kỷ luật kéo dài thì làm sao người sử dụng lao động có thể chi trả nghỉ việc trong vòng 7 ngày kể từ ngày người lao động nghỉ việc. Tôi chân thành cảm ơn.
Trả lời:
Qua xem xét nội dung, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau: 1. Theo quy định tại khoản 3 Điều 126 Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động áp dụng hình thức xử lý kỷ luật lao động sa thải khi người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong một tháng mà không có lý do chính đáng. Lý do chính đáng quy định tại điểm b, Khoản 2 Điều 31 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ bao gồm: bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Người sử dụng lao động không không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động. Trường hợp đột xuất, người lao động thông báo cho người sử dụng lao động biết và bổ sung chứng từ sau, thời gian sẽ do hai bên thỏa thuận và được quy định tại nội quy lao động của doanh nghiệp. 2. Trình tự xử lý kỷ luật lao động được quy định tại Điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ. Trường hợp người sử dụng lao động đã 03 lần thông báo bằng văn bản, mà một trong các thành phần tham dự không có mặt thì người sử dụng lao động tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động. Pháp luật lao động không quy định về khoảng cách giữa ba lần thông báo bằng văn bản. Thông báo gửi đến người lao động theo địa chỉ người lao động đăng ký hoặc đăng ký thay đổi chỗ ở tại doanh nghiệp. 3. Về việc chi trả lương trong trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải sẽ căn cứ vào Quyết định xử lý kỷ luật lao động hợp pháp của người sử dụng lao động. Trên đây là trả lời của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc xử lý kỷ luật và sa thải lao động.