Lao động - Tiền lương
27 thg 9, 2019
Quy định công việc nặng nhọc, độc hại
Câu trả lời

Câu hỏi:
Công ty tôi sản xuất mực in công nghiệp, có kết quả đo kiểm môi trường lao động không vượt quá quy định của Bộ Y tế. Vậy những người công nhân làm việc tại khu vực sản xuất, pha chế, đóng gói, kho có được xem là làm các công việc nặng nhọc độc hại không? Nếu có xin viện dẫn các quy định liên quan. Trân trọng cảm ơn.

Trả lời:
Qua xem xét, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến trả lời như sau: Việc phân loại nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm căn cứ theo Quyết định số 1453/LĐTBXH-QĐ ngày 13 tháng 10 năm 1995, Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30 tháng 7 năm 1996, Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26 tháng 12 năm 1996, Quyết định số 190/1999/QĐ-BLĐTBXH ngày 03 tháng 3 năm 1999, Quyết định số 1580/2000/QĐ-BLĐTBXH ngày 26 tháng 12 năm 2000, Quyết định số 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH ngày 18 tháng 9 năm 2003, Thông tư số 36/2012/TT- BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2012 và Thông tư số 15/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xà hội ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và không phụ thuộc vào kết quả quan trắc môi trường lao động định kỳ hàng năm. Thực hiện quan trắc môi trường lao động định kỳ hàng năm nhằm loại trừ, giảm thiểu yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động theo quy định tại Điều 16 Luật An toàn, vệ sinh lao động và là một trong những cơ sở để thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động theo quy định tại Điều 24 Luật An toàn, vệ sinh lao động và Thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đối với “khu vực sản xuất, pha chế, đóng gói, kho” tại doanh nghiệp chưa được mô tả cụ thể các công việc của người lao động trong các khu vực này để có thể xác định nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Ngoài ra, đề nghị doanh nghiệp rà soát tất cả các nghề, công việc tại doanh nghiệp để phân loại lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để giải quyết các chế độ cho người lao động theo quy định.