Giao thông
1 thg 10, 2019
Hành vi điều khiển xe ô tô khách không có phù hiệu hoặc có phù hiệu nhưng không gắn theo quy định thì bị xử phạt như thế nào?
Câu trả lời
1/ Đối với người điều khiển phương tiện:
Căn cứ theo quy định tại Điểm đ Khoản 6; Điểm a, Điểm c Khoản 8 Điều 23 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (sau đây gọi là Nghị định 46/2016/NĐ-CP) thì hành vi: Điều khiển xe chở hành khách không có hoặc không gắn phù hiệu (biển hiệu) theo quy định hoặc có nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng phù hiệu (biển hiệu) không do cơ quan có thẩm quyền cấp thì bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý như sau:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
- Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm nêu trên còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; Bị tịch thu phù hiệu (biển hiệu) đã hết giá trị sử dụng hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp (nếu có).
2/ Đối với chủ phương tiện:
Căn cứ theo quy định tại Điểm d Khoản 8; Điểm c Khoản 14 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP thì chủ phương tiện sẽ bị xử lý về lỗi Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm đ Khoản 6 Điều 23 Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm đ Khoản 6 Điều 23 Nghị định này với hình thức xử lý như sau:
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức.
- Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: Thực hiện hành vi quy định tại Điểm d Khoản 8 Điều 30 trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.