Hành vi cấu thành tội hiếp dâm
Câu trả lời
Câu hỏi:
Tôi xin được tư vấn về vấn đề sau: Con gái tôi sinh năm 1998, trên đường đi học đoạn qua cánh đồng giữa hai thôn thì bị một thanh niên (sinh năm 2000) xã bên cầm dao chặn đường cưỡng bức, có hành vi xâm phạm thân thể, trong quá trình giằng co chống cự, hắn chưa kịp giao cấu mới chỉ giựt tuột cúc áo con tôi do có người dân gần đấy phát hiện và giải cứu kịp thời. Con gái tôi hiện đang rất hoảng loạn về tinh thần. Với hành vi trên đã đủ cấu thành tội chưa? Thành tội gì? Có bị nghiêm trị trước pháp luật hay không? Gia đình tôi cần phải là gì để lấy lại công bằng cho con gái tôi? Tôi xin chân thành cảm ơn.
Trả lời:
Do nội dung ông cung cấp chưa đủ thông tin như: ngày, tháng sinh của con gái ông và ngày, tháng, năm sinh của người đã có hành vi xâm hại tình dục con gái ông, hiện tại có người nào có thể làm chứng không... nên Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tư vấn trường hợp của ông như sau: Trước tiên, gia đình ông có thể gửi đơn trình báo sự việc kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh (như văn bản tường trình của con gái ông và người làm chứng, hình ảnh về dấu vết thương tích trên thân thể hoặc giấy chứng nhận thương tích của con gái, kết quả khám, giám định về việc tinh thần của con gái ông bị hoảng loạn từ sự việc này) hành vi của thanh niên đó đến cơ quan công an phường hoặc công an huyện để các cơ quan này xem xét và tiến hành điều tra theo thẩm quyền (căn cứ Điều 101 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003). Theo như ông trình bày, con gái ông sinh năm 1998, trên đường đi học đoạn qua cánh đồng giữa hai thôn thì bị một thanh niên (sinh năm 2000) xã bên, cầm dao, chặn đường, cưỡng bức, có hành vi xâm phạm thân thể, trong quá trình giằng co, chống cự, hắn chưa kịp giao cấu, mới chỉ giật tuột cúc áo của con gái ông do có người dân gần đó phát hiện và giải cứu kịp thời. Căn cứ các tình tiết mà ông trình bày thì người thanh niên này đã có dấu hiệu phạm tội hiếp dâm quy định tại Điều 111 Bộ luật hình sự năm 1999 nhưng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt. Điều 111 Bộ luật hình sự năm 1999 qui định: Theo Điều 12 Bộ luật hình sự năm 1999 qui định tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau: + Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. + Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự qui định: + Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; + Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; + Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; + Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Theo ông trình bày là người thanh niên có hành vi xâm hại con gái ông sinh năm 2000 nhưng không rõ ngày tháng sinh cụ thể, do vậy nếu người thanh niên này tính đến thời điểm thực hiện hành vi phạm tội mà chưa đủ 16 tuổi và không có một trong những tình tiết định khung được qui định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 111 Bộ luật hình sự thì căn cứ các qui định nêu trên, người thanh niên này không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi hiếp dâm con gái ông. Ngược lại, người thanh niên này nếu đã đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi hiếp dâm con gái ông. Vấn đề bồi thường thiệt hại cho người bị hại trong trường hợp này được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005. Theo đó, người thực hiện hành vi phạm tội sẽ phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm và bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm cho người bị hại, cụ thể như sau: - Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm: Theo quy định tại Điều 609 thì thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. - Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm: Theo quy định tại Điều 611 thì thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Như vậy, ông có thể đối chiếu với quy định trên để áp dụng với trường hợp của gia đình ông. Để được hướng dẫn cụ thể cũng như giải đáp những thắc mắc của mình, ông có thể liên hệ trực tiếp Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, địa chỉ số 469 Đại lộ Bình Dương, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Khi liên hệ ông vui lòng mang theo tài liệu, hồ sơ có liên quan đến vụ việc.