Tố cáo là gì?
Câu trả lời
Điều 2, Luật tố cáo quy định:
"Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức".
Như vậy, xét về bản chất việc thực hiện quyền tố cáo thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân mà trong đó bên đi tố cáo báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Bản chất của tố cáo được xem xét dưới các khía cạnh sau đây:
Một là: chủ thể thực hiện quyền tố cáo chỉ là công dân. Khác với khiếu nại, là cả công dân, cơ quan, tổ chức đều có quyền khiếu nại. Quy định này nhằm cá thể hoá trách nhiệm của người tố cáo, nếu có hành vi cố ý tố cáo sai sự thật thì tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Hai là: đối tượng tố cáo là các hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Luật tố cáo quy định có hai loại hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo gồm: (1) hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; (2) hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
Ba là: cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Về nguyên tắc, người tố cáo có thể tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đến cơ quan nhà nước. Trong trường hợp người tố cáo bằng đơn mà tố cáo đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhận được đơn thì cơ quan đó có trách nhiệm chuyển đơn tố cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp mà tố cáo đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan tiếp nhận thì người tiếp nhận có trách nhiệm hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.
Bốn là: Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo bao gồm: (1) tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo; (2) xác minh nội dung tố cáo; (3) kết luận nội dung tố cáo; (4) xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo và (5) công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.
Năm là: Bản chất của kết quả giải quyết tố cáo, nếu người bị tố cáo vi phạm pháp luật thì áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; nếu hành vi vi phạm của người bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát của thẩm quyền để giải quyết tố cáo; trường hợp người bị tố cáo không vi phạm thì phải thông báo bằng văn bản cho người bị tố cáo, cơ quan quản lý người tố cáo, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo bị xâ phạm, đồng thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật.