Hiện nay, việc đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn và thẩm quyền đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn được thực hiện như thế nào?
Câu trả lời
Theo quy định của Điều 43 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ thì việc sinh, tử chưa đăng ký trong thời hạn mà pháp luật quy định thì phải đăng ký theo thủ tục đăng ký quá hạn.
Thời hạn pháp luật quy định đăng ký đối với việc sinh là 60 ngày kể từ ngày sinh (Điều 14 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP) và đối với việc tử là 15 ngày kể từ ngày chết (Điều 20 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP). Như vậy, nếu quá 60 ngày đối với việc sinh và quá 15 ngày đối với việc tử mà người có trách nhiệm đăng ký việc sinh hoặc tử chưa tiến hành đăng ký thì phải đăng ký theo thủ tục đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn.
Điều 44 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định thẩm quyền đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn như sau:
Đăng ký khai sinh quá hạn:
Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của những người theo thứ tự sau có thẩm quyền đăng ký khai sinh: nơi cư trú của người mẹ; nơi cư trú của người cha (nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ); nơi người đó đang sinh sống trên thực tế (nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha).
Trường hợp người đã thành niên đi đăng ký khai sinh quá hạn cho mình thì ngoài UBND cấp xã của những nơi kể trên còn có thể đăng ký tại tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.
Đăng ký khai tử quá hạn: Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó chết thực hiện việc đăng ký khai tử.
Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống. Trường hợp không xác định được nơi thường xuyên sinh sống thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống (Điều 52 Bộ luật Dân sự năm 2005).