Tài chính
27 thg 9, 2019
Chế độ chi tiêu nội bộ
Câu trả lời

Câu hỏi:
Kính gửi quý cơ quan, Hiện tôi đang công tác trên địa bàn huyện Dầu Tiếng. Xin quý cơ quan giải đáp một vấn đề về quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách được giao như sau: Cơ quan tôi là cơ quan QLNN thực hiện chế độ tự chủ theo Nghị định 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 Quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước. Quy chế chi tiêu nội bộ và quy định một số khoản chi được xây dựng như sau: 1. Đối với cán bộ đi công tác xa đi bằng xe ô tô cách xa cơ quan từ 20 km trở lên phải được sự phân công của Thủ trưởng đơn vị thì được hỗ trợ tiền xăng theo định mức 15 lít/100km. 2. Hỗ trợ tiền xăng hàng tháng theo hình thức khoán cho đối tượng là Thủ trưởng đơn vị 500.000 đ/tháng; Phó Thủ trưởng 400.000 đ/tháng (Thanh toán bằng hóa đơn mua xăng). 3. Khoán công tác phí hàng tháng theo 3 mức: Mức 1 bao gồm đối tượng là Lãnh đạo: 500.000 đ/người/tháng; mức 2: 400.000 đ/người/tháng; mức 3: 300.000 đ/người/tháng. 4. Hỗ trợ tiền tiếp khách theo định mức đối tượng là lãnh đạo 800.000 đ/người/tháng; đối tượng khác 300.000 đ/người/tháng (Thanh toán bằng hóa đơn tiếp khách). 5. Hỗ trợ hợp đồng lao động 400.000 đ/người/tháng do không được hưởng phụ cấp công vụ (vì không phải hợp đồng theo NĐ68). 6. Chi tăng thu nhập theo 2 mức: Mức 1: 1.000.000 đ/người/tháng; Mức 2: 900.000 đ/người/tháng. Hỏi: Cơ quan tôi đang thực hiện theo quy chế chi tiêu nội bộ như vậy có phù hợp với chế độ quy định không? Xin quý cơ quan cho biết từ mục 1 đến mục 6 mục nào phù hợp với chế độ và được thực hiện, mục nào không phù hợp với chế độ và không được thực hiện? Xin chân thành cảm ơn quý cơ quan.

Trả lời:
Qua xem xét, Sở Tài chính có ý kiến như sau: Căn cứ Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30/5/2014 của liên Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước; Căn cứ Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị; Căn cứ Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 20/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương về mức chi công tác phí, chi hội nghị trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Căn cứ Quyết định số 31/2010/QĐ-UBND ngày 06/9/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại tỉnh Bình Dương, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại tỉnh Bình Dương và chi tiêu tiếp khách trong nước; - Khoán kinh phí sử dụng ô tô, tự túc phương tiện khi đi công tác thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 5, Thông tư số 40/2017/TT-BTC: đối với chức danh lãnh đạo có tiêu chuẩn sử dụng ô tô khi đi công tác: mức thanh toán khoán kinh phí sử dụng xe ô tô khi đi công tác thực hiện theo quy định tại Thông tư số 159/2015/TT-BTC ngày 15/10/2015 của Bộ Tài chính. Đối với cán bộ, công chức, viên chức không có tiêu chuẩn được bố trí xe ô tô khi đi công tác, nhưng nếu đi công tác cách trụ sở cơ quan từ 10 km trở lên (đối với các xã thuộc địa bàn kinh tế xã hội khó khăn) và từ 15 km trở lên (đối với các xã còn lại) mà tự túc bằng phương tiện cá nhân của mình thì được thanh toán khoán tiền tự túc phương tiện bằng 0,2 lít xăng/km tính theo khoảng cách địa giới hành chính và giá xăng tại thời điểm đi công tác và được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. - Chi khoán tiền công tác phí theo tháng: hiện nay không có quy định về việc khoán tiền xăng theo tháng cho Thủ trưởng và Phó Thủ trưởng cơ quan mà chỉ có quy định khoán tiền công tác phí theo tháng theo quy định tại Điều 8, Thông tư số 40/2017/TT-BTC, theo đó tùy theo đối tượng, đặc điểm công tác và khả năng kinh phí, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định và đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ mức khoán công tác phí cho những người đi công tác lưu động trên 10 ngày/tháng để hỗ trợ tiền gửi xe, xăng xe theo mức 500.000 đồng/tháng. - Chi tiếp khách, hỗ trợ hợp đồng lao động và tăng thu nhập: theo quy định tại Khoản 6, Điều 3, Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV là căn cứ tình hình nhiệm vụ được giao, trong phạm vi kinh phí được giao tự chủ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định mức chi cho từng nội dung công việc phù hợp với đặc thù của cơ quan nhưng không được vượt quá chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ theo đúng quy định. Do vậy, đối với chi tiếp khách và chi hỗ trợ hợp đồng lao động đề nghị quý độc giả nghiên cứu nội dung nêu trên để xác định tính pháp lý của 2 nội dung chi này trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Mức chi tăng thu nhập tối đa không quá 1,0 (một) lần so với tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người (quy định tại Khoản 8, Điều 3, Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV). Trên đây là ý kiến của Sở Tài chính trả lời kiến nghị về quy định một số nội dung trong quy chế chi tiêu nội bộ.