Cấp thẻ căn cước công dân
Câu trả lời
Câu hỏi:
Cho tôi hỏi bao giờ Bình Dương mới cấp thẻ căn cước công dân và thủ tục, lệ phí như thế nào? Tôi chân thành cảm ơn.
Trả lời:
Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64), Công an tỉnh trả lời như sau: Căn cứ Luật Căn cước công dân (số 59/2014/QH13), được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016; Căn cứ Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân; Căn cứ thông tư số 11/2016/TT-BCA ngày 04/3/2016 của Bộ Công an quy định về trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, quy định như sau: Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã đăng ký thường trú được cấp thẻ Căn cước công dân. Cơ sở để tính tuổi căn cứ vào ngày, tháng, năm sinh của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trường hợp thông tin về ngày, tháng, năm sinh của người đó chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì căn cứ vào giấy khai sinh bản chính hoặc sổ hộ khẩu để xác định ngày, tháng, năm sinh của người đó. Ví dụ: A sinh ngày 01/03/2001, đến ngày 02/03/2015 A mới có thể đăng ký và cấp thẻ Căn cước công dân. Công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân: 2.1 Tại cơ quan quản lý Căn cước công dân của Bộ Công an; 2.2 Tại cơ quan quản lý Căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 2.3 Tại cơ quan quản lý Căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương; 2.4 Cơ quan quản lý Căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết. Thủ trưởng cơ quan quản lý Căn cước công dân của Bộ Công an có thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân. Thực hiện theo Thông tư số 256/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài Chính Quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân, quy định như sau: a. Người nộp lệ phí: Công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi trở lên khi làm thủ tục cấp mới, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân phải nộp lệ phí cấp Căn cước công dân theo quy định tại Thông tư này. b. Mức thu lệ phí: 1. Công dân từ đủ 16 tuổi trở lên làm thủ tục cấp mới thẻ Căn cước công dân; đổi thẻ Căn cước công dân khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi; chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ Căn cước công dân: 30.000 đồng/thẻ Căn cước công dân. 2. Đổi thẻ Căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: 50 000 đồng/thẻ Căn cước công dân. 3. Cấp lại thẻ Căn cước công dân khi bị mất thẻ Căn cước công dân, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam: 70.000 đồng/thẻ Căn cước công dân. c. Các trường hợp được miễn lệ phí: 1. Công dân dưới 16 tuổi đề nghị cấp mới, đổi, cấp lại Căn cước công dân. 2. Đổi thẻ Căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính. 3. Cấp mới, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới; các huyện đảo; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật. 4. Cấp mới, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa. 5. Đổi thẻ Căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý Căn cước công dân. Căn cứ Luật Căn cước công dân: - Dự kiến chậm nhất từ ngày 01/01/2020, việc cấp thẻ căn cước công dân được triển khai đồng bộ trên toàn quốc. Sau khi hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ Căn cước công dân sẽ được gắn chíp để trở thành thẻ công dân điện tử, giúp người dân loại bỏ khá nhiều loại giấy tờ tùy thân khi tham gia các giao dịch trong đời sống hàng ngày. - Khi công dân có CMND hết hạn vào năm 2016: Những địa phương đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, nhân, vật lực thì bắt đầu thực hiện việc cấp, đổi thẻ Căn cước công dân theo luật mới. Đối với địa phương chưa đủ điều kiện thì được hoãn đến chậm nhất đầu năm 2020 phải thực hiện theo quy định mới. Các giấy tờ chứng minh nhân dân vẫn có giá trị sử dụng bình thường đến hết thời hạn quy định. Như vậy, giả sử chứng minh nhân dân được cấp năm 2014 thì thời hạn sử dụng là 15 năm, tức đến 2029. Trong thời gian đến 2029, giấy chứng minh nhân dân được sử dụng bình thường và nếu người sử dụng có nhu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân (không bắt buộc). Nhưng hiện tại đến nay Bộ Công an vẫn chưa triển khai cấp thẻ căn cước tại Bình Dương. Riêng trường hợp công dân đã được cấp Chứng minh nhân dân 12 số, thẻ Căn cước công dân nay chuyên nơi đăng ký thường trú đến tỉnh Bình Dương thì công dân đó vẫn được cấp thẻ Căn cước công dân theo hướng dẫn số 1718/C41-C72 ngày 02/6/2017 của Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an về hướng dẫn cấp và quản lý Chứng minh nhân dân, do đó đề nghị công dân liên hệ trực tiếp Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự Xã hội Công an tỉnh Bình Dương để được hướng dẫn và giải quyết.