Nhà vệ sinh trường tiểu học
Câu trả lời
Câu hỏi:
Vào năm học mới các em học sinh tiểu học hồ hởi tới trường nhưng cũng là lúc cha mẹ các em đầy những áp lực. Nào là học hành, vui chơi, ăn uống... mọi thứ nhà trường cũng đã sẵn sàng để đón các bé tới trường. Tuy nhiên còn một số bất cập hoặc có những tình huống phát sinh mà nhà trường vẫn chưa nghĩ tới. Chẳng hạn như: Hiện tại hầu hết các trường học đều không có nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật. Các trường tiểu học thiết kế nhà vệ sinh và các khu vệ sinh cá nhân chưa phù hợp với độ tuổi của các cháu như đối với học sinh lớp 1 ở độ tuổi mới bắt đầu làm quen tự phục vụ bản thân nên còn rất hạn chế. Tuy nhiên các trường học lại quy chuẩn quốc gia phải sử dụng bồn cầu bệt loại cao của người lớn, các em lớp 1 còn quá nhỏ để có thể sử dụng được (khoảng 50% các em ở độ tuổi này có thể trạng và chiều cao thấp hơn). Do vậy đa số các em nếu sử dụng nhà vệ sinh người lớn sẽ bị lọt xuống hoặc phải gồng mình nhưng dù gồng mình thì bồn cầu cũng quá cao để các em có thể chạm chân xuống đất dẫn đến gây khó khăn cho các em thậm chí gây tai nạn. Các khu rửa tay cho các em lớp 1 cũng khá cao. Đó là đối với học sinh bình thường. Còn đối với trẻ em khuyết tật thì thật sự các trường vẫn chưa quan tâm lắm. Có thể nói hầu như 100% các trường học không có nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật. Mặc dù nhà nước quy định rõ là các nơi công cộng phải có nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật. Những người có con em nhỏ hoặc bị khuyết tật như con em chúng tôi thật sự rất lo lắng khi các em đến trường mà không có nơi vệ sinh, điều này sẽ gây ảnh hưởng tâm lý các cháu là không dám đi vệ sinh và phải nín để về nhà nhờ sự hỗ trợ của cha mẹ. Và có những lúc không chủ động được gây ra nỗi sợ hãi cho các em mỗi khi tới trường. Đối với người lớn chúng ta thỉnh thoảng mỗi lần lên xe đi xa chũng ta cũng lo sợ nếu gặp sự cố. Còn các em thì phải đối mặt mỗi ngày đến trường. Do vậy, tôi xin kiến nghị với các ban ngành liên quan xem xét xây dựng nhà vệ sinh phù hợp chứ không nên thực hiện như các trường học bây giờ. Tôi xin ví dụ cụ thể tại trường Tiểu học Phú Hòa 1, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương. Trân trọng cảm ơn đã lắng nghe.
Trả lời:
Qua xem xét nội dung góp ý kiến nghị, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có ý kiến như sau: Căn cứ Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và các văn bản pháp quy có liên quan. Trách nhiệm quản lý toàn diện, thực hiện xây dựng các trường học trên địa bàn tỉnh Bình Dương thuộc trách nhiệm của các Chủ đầu tư là Ủy ban nhân dân (UBND) các huyện, thị, thành phố. Trên địa bàn tỉnh Bình Dương từ năm 2010 cho đến hiện nay tất cả các trường mầm non, trường phổ thông khi xây dựng đều đảm bảo điều kiện tối thiếu cho các trẻ, học sinh khuyết tật (nếu có) học hòa nhập. Tại mỗi trường đều có: Đường dốc (có khi còn gọi là ram dốc) từ nền sân trường lên nền tầng 1 (các tài liệu cũ gọi là tầng trệt); một phòng học không xây bục giảng cố định; một phòng vệ sinh riêng dành cho trẻ, học sinh khuyết tật được bố trí tại tầng 1. Ngày 21/8/2018 Sở GDĐT và Phòng GDĐT thành phố Thủ Dầu Một đã đến kiểm tra tại Trường TH Phú Hòa 1, đã đảm bảo điều kiện tối thiểu cho các trẻ, học sinh khuyết tật như đã nêu trên. Riêng trên địa bàn tỉnh Bình Dương đối với các trẻ mầm non trong năm học 2017-2018: Tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì chiếm khoảng 20%, nhưng tỷ lệ trẻ thấp còi, nhẹ cân chỉ chiếm dưới 03%. Để khắc phục tình trạng này khi các trẻ thấp còi, nhẹ cân bước vào học lóp 1 tại Trường TH Phú Hòa 1, Sở GDĐT đã bàn bạc với Phòng GDĐT, Hiệu trưởng nhà trường tìm giải pháp khắc phục nhanh và đến 23/8/2018 Sở GDĐT đã đi kiểm tra lại lần cuối. Nhà trường đã thực hiện hoàn tất, được cha học học sinh rất đồng tình. Cụ thể: Nâng nền xung quanh xí bệt cao thêm 110mm đến 120mm cho 01 phòng vệ sinh học sinh nữ và 02 phòng vệ sinh học sinh nam trong 01 khu vệ sinh của học sinh, đồng thời mua thêm 3 tấm đệm ngồi đặt lên trên nhằm đảm bảo cho học sinh thấp còi, nhẹ cân khi ngồi lên xí bệt hai bàn chân luôn chạm với nền và không sợ trẻ, học sinh lọt vào bên trong. Ngoài ra nhà trường đã mua thêm 01 ghế ngồi bô, bố trí thêm trong phòng vệ sinh khuyết tật để học sinh thuộc thể trạng quá thấp còi, nhẹ cân sử dụng khi cần. Nay Sở GDĐT xin trả lời thông qua Cổng Thông tin điện tử tỉnh để cha mẹ học sinh và các cơ quan có liên quan được rõ.