Bưu chính viễn thông
27 thg 9, 2019
Xây dựng trạm BTS
Câu trả lời

Câu hỏi:
UBND phường Thới Hòa hỏi về việc xây dựng trạm BTS có gây ảnh hưởng đến sức khỏe của dân cư tại phường không?

Trả lời:
1. Vấn đề an toàn và cấp phép xây dựng trạm BTS: Tại Bình Dương, việc xây dựng trạm thu, phát sóng thông tin di động (BTS) phải tuân theo Quy định về cấp giấy phép xây dựng công trình trạm thu, phát sóng thông tin di động được ban hành kèm theo Quyết định số 42/2010/QĐ-UBND ngày 17/11/2010 của UBND tỉnh. Theo đó, các trạm BTS trước khi khởi công xây dựng phải: - Đối với trạm BTS xây dựng tại khu vực đô thị (các phường, thị trấn, các khu công nghiệp, khu đô thị mới, khu dân cư mới…): có giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền. - Đối với trạm BTS xây dựng ngoài khu vực đô thị: có văn bản chấp thuận vị trí của Sở Thông tin và Truyền thông và phải thông báo trước 7 ngày với chính quyền địa phương. Như vậy, việc đảm bảo chất lượng và an toàn công trình trạm BTS phải tuân theo các quy định của nhà nước về xây dựng. 2. Vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe do sóng điện từ phát ra từ trạm BTS: Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động. Để cung cấp dịch vụ cho các thuê bao trên địa bàn với chất lượng ngày càng tốt hơn, các doanh nghiệp viễn thông không ngừng đầu tư mở rộng, nâng cấp hạ tầng (trong đó có trạm BTS). Nhằm bảo vệ cho người dân sống xung quanh các trạm BTS không chịu ảnh hưởng của phơi nhiễm sóng điện từ, Bộ Thông tin truyền thông và các Bộ, ngành liên quan đã xây dựng hành lang pháp lý về lĩnh vực viễn thông ngày càng chặt chẽ hơn mà các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động phải thực hiện hiện, để vừa đảm bảo phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, đáp ứng nhu cầu xã hội, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho con người như: - Quy chuẩn Việt Nam QCVN 8:2010/BTTTT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phơi nhiễm trường điện từ của các trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng. Với việc bắt buộc áp dụng quy chuẩn này, giá trị mật độ dòng năng lượng (S) quy định đối với các trạm thu phát sóng là 2 W/m². Giá trị này nghiêm ngặt hơn khi so sánh với các giới hạn của một số tổ chức và một số nước (ước tính đối với các BTS hoạt động tại tần số 900 MHz): Ủy ban quốc tế về an toàn bức xạ phi ion hóa (ICNIRP) là 4,5 W/m²; Mỹ, Nhật là 6 W/m²; Anh là 32 W/m² (riêng Trung Quốc quy định giá trị thấp 0,4 W/m²). - Thông tư số 16/2011/TT-BTTTT quy định về kiểm định thiết bị viễn thông và đài vô tuyến điện; Thông tư số 17/2011/TT-BTTT ban hành danh mục thiết bị viễn thông và đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định và Thông tư số 18/2011/TT-BTTTT về ban hành quy trình kiểm định trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 30/6/2011. Theo các văn bản này, đối với từng trạm BTS lắp đặt mới trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định tuân thủ QCVN 8:2010/BTTTT. Đối với các trạm BTS khi có sự thay đổi cấu hình như tăng công suất bức xạ, thay đổi vị trí, độ cao và hướng ăng ten làm cho các tiêu chí về an toàn trong trường bức xạ tần số vô tuyến điện vượt quá giá trị đã được kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định hết hiệu lực (5 năm) phải kiểm định lại. Hàng năm, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đều chỉ đạo cho Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố thanh tra diện rộng việc kiểm định công trình trạm BTS trên phạm vi cả nước và báo cáo kết quả về Bộ. 3. Ngoài ra, tại khoản 6 Điều 12 của Luật Viễn thông quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông: Cản trở trái pháp luật, gây rối, phá hoại việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, việc cung cấp và sử dụng hợp pháp các dịch vụ viễn thông. Trên đây là ý kiến của Sở Thông tin và Truyền thông về việc xây dựng trạm BTS tại phường Thới Hòa, đề nghị UBND phường thông tin để người dân hiểu và ủng hộ việc đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông trên địa bàn./.