Điều kiện tách thửa đất
Câu trả lời
Câu hỏi:
Tôi có thửa đất số 58, tờ bản đồ số 49 tại khu phố Khánh Tân, phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất số BB521146 cấp 27/09/2010. Bà Út Hương có thửa đất số 68, liền kề với thửa đất nhà tôi (thửa đất 68 này bị bao quanh bởi những thửa khác không có lối đi ra đường công cộng), nhưng để đi từ nhà Bà Hương ra đường công cộng thì Bà Hương phải đi qua thửa đất nhà tôi. Nay giữa tôi và Bà Hương có làm biên bản thỏa thuận là nhà tôi đồng ý chừa cho Bà Hương lối đi từ nhà Bà Hương ra đường công cộng với chiều rộng lối đi là 3,5 mét (ba mét rưỡi), chiều dài khoảng hơn 30 mét. Hai bên thỏa thuận đây là là lối đi chung, sau này có chuyển nhượng cho người khác thì đây vẫn là lối đi chung không ai có quyền ngăn cản. Nhưng Phòng tài nguyên và môi trường huyện Tân Uyên hướng dẫn Bà Hương rằng: theo quyết định 38/2014/QĐ-UBND ngày 22/10/2014 của UBND tỉnh Bình Dương, nếu tôi chừa đường đi rộng 3,5 mét thì sau này Bà Hương không đủ điều kiện thể tách thửa đất số 68 ra để thừa kế cho con cháu được. Vậy, đối với trường hợp như tôi và Bà Hương, thì: 1. Căn cứ vào điểm nào, qui định nào nói rõ là thửa đất sau khi tách “phải tiếp giáp đường rộng 4 mét” hay không? Hay thửa đất sau khi tách phải có chiều dài và chiều rộng “của thửa đất” tối thiểu là 4 mét, còn lối đi chung thì do các bên thỏa thuận? 2. Nếu tôi chừa đường đi có chiều rộng 3,5 mét như trên, thì sau này Bà Hương có thể tách thửa để thừa kế lại cho con cháu có được không? Việc tôi chừa lối đi chung này có liên quan gì đến việc Bà Hương cần tách thửa không? 3. Nếu Bà Hương tách thửa đất số 68 ra từng thửa nhỏ để thừa kế cho con cháu thì phải cần những điều kiện gì? Kính mong chính quyền quan tâm xem xét và tận tình hướng dẫn để chúng tôi biết và thực hiện cho đúng qui định pháp luật. Chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau: Do ông không cung cấp hồ sơ kèm theo và nội dung câu hỏi của ông chưa thể hiện rõ nên Sở Tài nguyên và Môi trường không có cơ sở để trả lời một cách cụ thể. Tuy nhiên, ông (bà) có thể tìm hiểu điều kiện tách thửa đất, cụ thể như sau: * Đối với đất ở: Khoản 1 Điều 1, Điều 3 và Khoản 1, 2 Điều 4 Quyết định số 38/2014/QĐ-UBND ngày 22/10/2014 của UBND tỉnh Bình Dương về việc quy định diện tích tối thiểu đối với đất ở được phép tách thửa trên địa bàn tỉnh Bình Dương, quy định: “Điều 1. Phạm vi điều chỉnh 1. Quyết định này quy định diện tích đất tối thiểu được phép tách thửa để thực hiện các quyền của người sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Các thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi được tách thửa phải có diện tích không được nhỏ hơn diện tích tối thiểu được quy định tại Quyết định này.” “Điều 3. Diện tích tối thiểu đối với đất ở được phép tách thửa trên địa bàn tỉnh Bình Dương 1. Diện tích tối thiểu đối với đất ở được phép tách thửa theo đơn vị hành chính của các huyện, thị xã, thành phố được quy định như sau: 2. Các thửa đất mới hình thành và còn lại sau khi tách thửa theo quy định tại Khoản 1 Điều này phải bảo đảm: a) Đối với thửa đất ở sau khi được tách thửa phải tiếp giáp đường và có kích thước bề rộng và chiều sâu của thửa đất tối thiểu là 4m; b) Thửa đất không thuộc khu vực phải thu hồi đất đã được công bố hoặc đã có Quyết định thu hồi đất.” “Điều 4. Một số quy định cụ thể về tách thửa 1. Diện tích được phép tách thửa theo các mức quy định tại Quyết định này không tính phần diện tích đất thuộc hành lang bảo vệ công trình công cộng; 2. Trường hợp người sử dụng đất đề nghị tách thửa đất thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu đồng thời với việc đề nghị được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây viết tắt là Giấy chứng nhận) cho thửa đất mới;” * Đối với các loại đất không phải là đất ở: Chỉ thị 09/CT-UBND ngày 28/3/2016 của UBND tỉnh Bình Dương về việc tách thửa đối với các loại đất không phải là đất ở trên địa bàn tỉnh Bình Dương, quy định: “1. Điều kiện để thực hiện việc tách thửa a) Căn cứ vào kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu chức năng và khả năng kết nối hạ tầng. b) Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. c) Việc chia tách thửa đất để hình thành thửa đất mới phải đảm bảo quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề theo quy định tại Điều 171 Luật Đất đai 2013. ... 3. Đối với trường hợp thửa đất phù hợp quy hoạch đất ở Việc tách thửa phải đảm bảo diện tích thửa đất tách ra, thửa đất còn lại bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu đất ở theo các điều kiện được quy định tại Quyết định số 38/2014/QĐ-UBND ngày 22/10/2014 của UBND tỉnh. 4. Đối với trường hợp thửa đất không thuộc quy hoạch đất ở a) Cho phép người sử dụng đất tách thửa các loại đất không phải là đất ở trên cơ sở sử dụng đất đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu chức năng và khả năng kết nối hạ tầng. b) Nghiêm cấm việc phân lô, bán nền trái pháp luật để sử dụng vào mục đích đất ở khi không phù hợp với quy hoạch. Mọi hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. 5. Các trường hợp không được tách thửa a) Diện tích đất xin tách thửa khi đã có Thông báo thu hồi đất hoặc Quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. b) Thửa đất có tài sản gắn liền với đất đang bị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, phong tỏa, kê biên để đảm bảo thi hành án. c) Thửa đất do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao hoặc cho người sử dụng đất thuê để thực hiện dự án nhưng người sử dụng đất không thực hiện đầu tư dự án. d) Thửa đất đang có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và đang được cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết.” Ông có thể liên hệ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND thị xã Tân Uyên và cung cấp hồ sơ để được hướng dẫn cụ thể.