Hiện nay đơn vị chúng tôi đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương chấp thuận cho đầu tư xây dựng khu dân cư, tuy nhiên do khu đất có địa hình cao nên cần phải đào đất vận chuyển ra ngoài để lấy mặt bằng xây dựng. Nay chúng tôi đề nghị Quý Sở hướng dẫn các bước, thủ tục, thành phần hồ sơ để chúng tôi thực hiện theo quy định?
Câu trả lời
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 65 Luật Khoáng sản năm 2010 quy định: “Việc khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình, trừ công trình quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện theo quy định sau đây:
a) Đối với khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình phát hiện có khoáng sản thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 82 của Luật này quyết định việc thăm dò, khai thác trước khi dự án được phê duyệt hoặc cấp giấy phép đầu tư;
b) Đối với khu vực chưa được điều tra, đánh giá về khoáng sản mà trong quá trình xây dựng công trình phát hiện có khoáng sản thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 82 của Luật này quyết định việc khai thác hoặc không khai thác trong phạm vi xây dựng công trình; trường hợp quyết định khai thác thì không bắt buộc phải tiến hành thăm dò khoáng sản”.
- Căn cứ theo Điều 53 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn đơn vị thực hiện như sau:
a) Trình tự thực hiện
- Bước 1: Tổ chức, cá nhân truy cập cổng thông tin điện tử của Sở TNMT để tra cứu thủ tục hành chính hoặc đến Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả Sở Tài nguyên và Môi trường (địa chỉ: Quầy 42-44, tầng 1, tháp A, Tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương) để được hướng dẫn.
- Bước 2: Tổ chức, cá nhân truy cập cổng thông tin điện tử của Sở TNMT để tra lấy mẫu đơn hoặc đến Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn lấy mẫu đơn.
- Bước 3: Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc nộp gián tiếp thông qua dịch vụ bưu chính công ích về Sở Tài nguyên và Môi trường. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ trong thời gian tối đa 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận phải hướng dẫn, thông báo bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
- Bước 4: Thẩm định, trình hồ sơ:
Văn phòng Tiếp nhận và Trả kết quả chuyển hồ sơ tới Phòng chuyên môn để thẩm định hồ sơ trình chủ tịch hội đồng thẩm định.
- Bước 5: Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Văn phòng Tiếp nhận và Trả kết quả trả Giấy phép khai thác khoáng sản.
b) Cách thức thực hiện
- Nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc nộp gián tiếp thông qua dịch vụ bưu chính công ích về Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Trả kết quả được thực hiện trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc trả gián tiếp thông qua dịch vụ bưu chính công ích cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ.
c) Thành phần hồ sơ
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản (theo mẫu số 12 của Thông tư số 45/2016/TT-BTNMT ngày 26/12/2016);
- Bản đồ khu vực khai thác khoáng sản trên đó thể hiện phạm vi, diện tích xây dựng dự án công trình (theo Phụ lục 2- Mẫu số 26 của Thông tư số 45/2016/TT-BTNMT ngày 26/12/2016);
- Phương án khai thác khoáng sản trong diện tích dự án kèm theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp,
- Văn bản quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình (nếu có);
- Quyết định phê duyệt dự án xây dựng công trình của cơ quan có thẩm quyền;
- Bản đồ quy hoạch tổng thể khu vực xây dựng dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản nằm trong diện tích xây dựng công trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có);
- Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án đầu tư xây dựng công trình kèm theo quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
d) Số lượng hồ sơ: 02 bộ hồ sơ (riêng bản đồ nộp 08 bản).
đ) Thời hạn giải quyết: 70 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
e) Phí, lệ phí: Lệ phí cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo Phụ lục, Thông tư số 191/2016/TT-BTC ngày 08/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức lệ phí cụ thể như sau:
- Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có diện tích dưới 10 ha và công suất khai thác dưới 100.000 m3/năm mức thu lệ phí 15.000.000 đồng.
- Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có diện tích từ 10 ha trở lên và công suất khai thác dưới 100.000 m3/năm hoặc loại hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có diện tích dưới 10 ha và công suất khai thác từ 100.000 m3/năm trở lên, than bùn trừ hoạt động khai thác cát, sỏi lòng suối mức thu lệ phí 20.000.000 đồng.
- Giấy phép khai thác khoáng sản làm nguyên liệu xi măng; khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; đá ốp lát và nước khoáng mức thu lệ phí 40.000.000 đồng.
h) Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản (theo mẫu số 12 của Thông tư số 45/2016/TT-BTNMT ngày 26/12/2016);
- Bản đồ khu vực khai thác khoáng sản trên đó thể hiện phạm vi, diện tích xây dựng dự án công trình (theo Phụ lục 2- Mẫu số 26 của Thông tư số 45/2016/TT-BTNMT ngày 26/12/2016).