Di dời các công ty ra khỏi khu dân cư Thuận Giao, thuộc khu phố Bình Thuận 2 do gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đã kiến nghị nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết.
Câu trả lời
Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và các địa phương nỗ lực thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đô thị. Bên cạnh việc hoàn thành di dời các doanh nghiệp theo Chương trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư, đô thị (đã hoàn thành di dời 31/32 cơ sở, 01 cơ sở đang thực hiện di dời và dự kiến hoàn thành trong năm 2019) thì công tác thanh kiểm tra, xử lý về bảo vệ môi trường cũng được tăng cường, nhất là đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong khu dân cư, đô thị. Trong năm 2018và 6 tháng đầu năm 2019, ngành tài nguyên và môi trường đã thanh kiểm tra 1.818 đơn vị, phát hiện và xử lý vi phạm 793 đơn vị, với số tiền xử phạt 51,62 tỉ đồng. Trong quá trình thanh kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, những doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp khống chế ô nhiễm và gây ô nhiễm môi trường đều bị đình chỉ hoạt động để khắc phục hoặc di dời ra khỏi khu vực dân cư, đô thị nếu không thể khắc phục được. Từ năm 2014 đến năm 2017, đã có 118 cơ sở nằm trong khu dân cư, đô thị bị buộc ngừng hoạt động hoặc di dời, trong đó: thành phố Thủ Dầu Một là 30 cơ sở, thị xã Tân Uyên là 27 cơ sở, thị xã Dĩ An là 24 cơ sở; thị xã Thuận An là 37 cơ sở. Trong năm 2018, với sự thực hiện quyết liệt của các cấp, các ngành, đã di dời được hơn 100 cơ sở nằm trong khu dân cư, đô thị phía Nam của tỉnh. Các cơ sở bị buộc ngưng hoạt động hoặc di dời chủ yếu là các cơ sở kinh doanh phế liệu, gia công cơ khí, chế biến gỗ, chăn nuôi gia súc…gây ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh và không khắc phục được.
Để giải quyết triệt để các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, khu đô thị thì ngoài việc tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lývi phạm về bảo vệ môi thường, Ủy ban nhân dân giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành và các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách để tiếp tục thực hiện Chương trình di dời các doanh nghiệp sản xuất ra khỏi khu dân cư, đô thị. Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành dự thảo và tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với Tiêu chí di dời và Chính sách hỗ trợ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải di dời ra khỏi khu dân cư, đô thị. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang chỉnh sửa lại chính sách theo các ý kiến góp ý của các ngành, các địa phương, đồng thời thực hiện đánh giá tác động của chính sách theo quy định.
- Dự kiến thời gian: thông qua Hội đồng nhân dân chính sách di dời trong năm kỳ họp thứ 11 - Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX cuối năm 2019; riêng việc thực hiện di dời phải theo lộ trình, dự kiến đến năm 2024 hoàn thành.
Đối với khu dân cư Thuận Giao, hiện nay có 15 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với các ngành nghề ngành nghề: may gia công, chế biến suất ăn công nghiệp, cơ khí, in ấn, sản xuất pallet…Các doanh nghiệp này chủ yếu là các cơ sở có quy mô vừa và nhỏ, thuộc thẩm quyền quản lý môi trường của Uỷ ban nhân dân thị xã Thuận An. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Thuận An đã kiểm tra 03 doanh nghiệp trong khu dân cư, qua kiểm tra cho thấy các doanh nghiệp thực hiện tương đối đầy đủ các biện pháp khống chế ô nhiễm, tuy nhiên công tác quản lý chất thải rắn công nghiệp thực hiện chưa tốt và Phòng Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 2850/STNMT-CCBVMT ngày 10 tháng 6 năm 2019 đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Thuận An tiếp tục tiến hành kiểm tra các cơ sở này. Nếu các cơ sở không thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, không phù hợp quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất của địa phương thì ngoài xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, đồng thời đưa vào danh sách cơ sở phải di dời ra khỏi khu dân cư, đô thị để giải quyết triệt để sau khi có chính sách hỗ trợ di dời được HĐND tỉnh thông qua