Quy định về giấy phép lái xe đối với người khuyết tật
Câu trả lời
Câu hỏi:
Chào cơ quan chức năng, Tôi năm nay 23 tuổi, quê Cần Thơ lên Bình Dương làm công nhân. Tôi bị tai nạn giao thông có tật ở chân phải. Dưới quê tôi không thi bằng lái được. Vậy khi điều khiển xe đi làm bị cảnh sát giao thông ngừng phương tiện thì tôi có vi phạm hành chính không? Tôi chỉ có một chiếc xe đi làm, nếu bị giữ phương tiện tôi không biết làm sao. Mong cơ quan chức năng tư vấn. Xin cảm ơn.
Trả lời:
Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Dương trả lời như sau: Tại khoản 2 Điều 57 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau: - Đăng ký xe; - Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới các hạng A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FE quy định tại Điều 59 của Luật này; - Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới như: Xe ô tô và rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô theo quy định tại Điều 55 của Luật này; - Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Trường hợp người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy nếu không có Giấy phép lái xe (bằng lái xe) hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa xe) thì theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, sẽ bị xử phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô. Ngoài ra đối với trường hợp người bị khuyết tật khi tham gia giao thông thì pháp luật cũng quy định cụ thể về điều kiện sức khỏe, độ tuổi, hạng giấy phép lái xe. Cụ thể: Tại khoản 2 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ quy định người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Tại Phụ lục số 1 bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 21 tháng 8 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) thì tại mục VII tiêu chuẩn về cơ - xương - khớp đủ điều kiện để lái xe hạng A1 mà có một trong số các tình trạng bệnh, tật sau đây không đủ điều kiện để lái xe: Cụt hoặc mất chức năng một bàn tay hoặc một bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng). Tại khoản 1 Điều 43 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/04/2017 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ thì người khuyết tật được đào tạo sát hạch lái xe điều khiển xe ba bánh dùng cho người khuyết tật để cấp giấy phép lái xe hạng Al: Người học có thể tự học lý thuyết và thực hành; trường hợp có nhu cầu học tập trung đăng ký với cơ sở đào tạo để được học theo nội dung, chương trình quy định. Như vậy, đối với trường hợp của anh bị tật ở chân phải thì anh có thể tham gia khóa đào tạo sát hạch lái xe điều khiển xe ba bánh dành cho người khuyết tật để được cấp giấy phép lái xe hạng A1 nếu anh đáp ứng được tình trạng sức khỏe đảm bảo, phù hợp với loại xe, công dụng của xe tham gia giao thông. Trên đây là một số quy định của pháp luật về giao thông đường bộ có liên quan đến nội dung vướng mắc bạn đọc. Để được hướng dẫn và giải đáp cụ thể những vướng mắc của mình, bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bình Dương, địa chỉ số 469 Đại lộ Bình Dương, thành phố Thủ Dầu Môt, tỉnh Bình Dương. Khi liên hệ, bạn đọc vui lòng mang theo tài liệu hồ sơ có liên quan đến vụ việc.