Khác
27 thg 9, 2019
Chương trình sữa học đường
Câu trả lời

Câu hỏi:
Tôi tên là Bùi Tuấn Anh, sống ở Bình Dương. Năm học 2018-2019 tôi thấy một số trường mầm non ở Bình Dương có áp dụng chương trình sữa học đường (không biết phải tất cả hết không). Tôi thấy đây là chương trình rất hay, rất nhân văn tiến bộ vì tương lai của con em chúng ta. Nhưng tôi thấy cách áp dụng của chúng ta rất máy móc, vì như chúng ta đã biết trong lớp có em thừa cân, béo phì, có em suy dinh dưỡng, có em sức khỏe tốt. Dù ở trường không bắt buộc chương trình này, nhưng giáo viên các lớp phát phiếu cho phụ huynh đăng ký nhưng có vẻ gượng ép, mặt khác tâm lý phụ huynh hơi ngại vì sợ bạn bè con được uống còn con không được uống nên miễn cưỡng đăng ký. Ngoài ra, không biết khi đưa chương trình này vào trường mầm non, ban đề xuất có lập kế hoạch theo dõi sức khỏe cũng như tâm sinh lý trẻ để đánh giá tác động của chương trình. Theo tôi đọc được các bài báo khoa học, nhiều kết quả cho thấy nếu uống sữa quá mức làm cho trẻ phát triển ngoài ý muốn như dậy thì sớm, tăng cân, hại xương,... nếu uống quá nhiều. Nếu không có kế hoạch và công cụ theo dõi sức khỏe của trẻ tôi đề nghị bỏ chương trình này ở thành thị vì các em được gia đình chăm sóc gần như đầy đủ và ưu tiên chuyển về vùng núi cho các em còn khó khăn (miễn phí) hoặc cho tôi thông tin người phụ trách chương trình này để tôi tự theo dõi và có khiếu nại nếu con tôi phát triển ngoài ý muốn. Tôi có xem qua Kế hoạch 1823/KH-UBND nhưng không thấy ai là người chịu trách nhiệm. Tôi đề nghị phải có người chịu trách nhiệm chính chương trình này. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời:
Sau khi xem xét các thông tin, Sở Y tế trả lời như sau: Cám ơn bạn đọc đã quan tâm đến Chương trình Sữa học đường của tỉnh Bình Dương. Chương trình Sữa học đường đã triển khai trên 60 quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Thái Lan (1962); Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Newzealand (1937)... Chương trình Sữa học đường ở các nước được triển khai từ rất sớm, giúp phát triến thể lực, tầm vóc của nhiều thế hệ và tạo thói quen sử dụng sữa hàng ngày cho trẻ em. Việt Nam là 1 trong 20 quốc gia có số lượng trẻ em bị suy dinh dưỡng (SDD) thấp còi cao nhất thể giới. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi Việt Nam hiện nay là 24,6%. Cứ 4 trẻ em < 5 tuổi có 1 trẻ bị SDD thể thấp còi. Vì vậy, chiều cao của thanh niên Việt Nam bị ảnh hưởng. Theo Tổ chức Y tế thế giới, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam thấp hơn chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (Nam thấp hơn 13,lcm; Nữ thấp hơn 10,7cm). Theo nghiên cứu của Viện Dinh Dưỡng, có khoảng 30% dân số Việt Nam có thói quen tiêu thụ sữa, các sản phẩm của sữa; trong đó trẻ em cũng tiêu thụ xấp xỉ 30%. Khẩu phần ăn của trẻ em Việt Nam hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu về năng lượng và thiếu hàm lượng các chất đạm có giá trị dinh dưỡng cao; chỉ có 60% nhu cầu canxi được đáp ứng, trong khi quá trình tăng trưởng của trẻ (canxi rất cần để tạo khối xương cho phát triển tốt hơn về chiều cao). Khẩu phần ăn hiện nay chưa coi sữa là thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày. Vì vậy, ngày 8/7/2016 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1340/QĐ-TTg về việc thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mầm non, tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em mầm non, góp phần phát triển nguồn lực trong tương lai. Tỉnh Bình Dương có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi khá cao (21,4%); chính vì vậy, ngày 03/5/2018 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1823/UBND triển khai Chương trình uống sữa tươi cho trẻ > 1 tuổi trong các cơ sở giáo dục mầm non trong toàn tỉnh, Chương trình khuyến khích phụ huynh cho con mình tham gia trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc (có thể tham gia hoặc không tham gia), nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, phấn đấu đạt chiều cao trung bình của trẻ nhập học (6 tuổi) theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Sữa được sử dụng trong Chương trình Sữa học đường là sữa tươi đạt tiêu chuẩn chất lượng theo Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế. Sữa tươi có hàm lượng các chất dinh dưỡng cân bằng và giữ được nguyên vẹn các vitamin, khoáng chất trong sữa, có lợi cho sự hấp thu để phát triển thể lực, tầm vóc của trẻ, trong khi sữa bột phải qua 2 lần sử dụng nhiệt độ cao (cô đặc và pha loãng), thời hạn bảo quản dài làm mất chất dinh dưỡng. Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng quốc gia, trẻ 3 - 5 tuổi cần uống 400 ml sữa hàng ngày. Tại trường, trẻ được uống 1 lần/ngày, mỗi lần uống 180ml sữa tươi. Đối với trẻ thừa cân - béo phì, trẻ được uống sữa không đường; trẻ không bị thừa cân - béo phì thì uống sữa có đường. Vì vậy, thời gian còn lại ở nhà, bạn đọc cần cho trẻ uống thêm 1 hộp sữa tươi nữa mới đủ khẩu phần sữa hàng ngày của trẻ. Nhiều nghiên cứu, không tìm thấy ảnh hưởng của sữa đối với tuổi dậy thì (Cadogan, 1997; Du, 2004). Nghiên cứu khác ở Trung Quốc: cho trẻ gái uống sữa trong 2 năm, không có sự khác biệt về tuổi dậy thì ở 2 nhóm trẻ gái uống sữa và không uống sữa (Zhu, 2006). Nghiên cứu ớ Mỹ 1999-2004 của NHANES (Wiley, 2011b) cho thấy không có mối liên quan giữa tiêu thụ sữa và dậy thì sớm ở trẻ gái 9-12 tuổi. Vì vậy, có nhiều chứng cứ khoa học, bạn đọc an tâm cho con uổng sữa tươi hàng ngày nhằm tăng chiều cao tối ưu cho con em mình. Trân trọng kính chào.