Sử dụng nhiệt điện trong sản xuất
Câu trả lời
Câu hỏi:
Tôi là người dân tại xã An Điền, thị xã Bến Cát. Theo như tôi được biết trên địa bàn có nhiều công ty giấy đầu tư nhà máy nhiệt điện đốt bằng than để phục vụ hoạt động sản xuất như Công ty Chánh Dương, Chenglong, Kraft. Theo Quyết định số 428/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 thì không có nhà máy nhiệt điện đốt than của công ty này. Vậy tôi muốn biết dự án nhiệt điện của các công ty đã được Chính phủ đồng ý hay chưa? Nếu chưa tại sao lại được xây dựng nhà máy nhiệt điện tại đây và gây ô nhiễm môi trường cho người dân tại Bến Cát. Trên địa bàn thị xã Bến Cát tới 3 nhà máy nhiệt điện vậy mức độ ảnh hưởng đến môi trường sẽ như thế nào khi các nhà máy này đều đốt than không phải là bằng nhiên liệu sinh khối? Cơ quan môi trường kiểm soát hoạt động của 3 nhà máy nhiệt điện này như thế nào, kết quả ra sao phải công bố cho người dân được biết.
Trả lời:
Sau khi rà soát, kiểm tra, Sở Công Thương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau: Các công ty (Công ty TNHH Xưởng giấy Chánh Dương, Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper, Công ty TNHH Giấy Kraft Vina) đầu tư nhà máy điện đốt bằng than để phục vụ hoạt động sản xuất giấy trên địa bàn thị xã Bến Cát. - Công ty TNHH Xưởng giấy Chánh Dương được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung dự án nhà máy điện Chánh Dương vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia tại Công văn số 1364/TTg-KTN ngày 04 tháng 8 năm 2016. Cụ thể, dự án nhà máy điện Chánh Dương có quy mô công suất 63MW gồm 01 tổ máy nhiệt điện đồng phát ngưng hơi đốt than công suất 60MW và 01 tổ máy nhiệt điện đồng phát đối áp đốt rác thải công suất 3MW, vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (để cấp điện và hơi cho nhà máy giấy Chánh Dương, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia); - Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper được Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh, bổ sung nhà máy điện đồng phát giấy Cheng Loong vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 tại Quyết định số 3915/QĐ-BCT ngày 12 tháng 10 năm 2017. Cụ thể, dự án nhà máy điện giấy Cheng Loong có quy mô công suất 29MW, vận hành năm 2018-2019, chỉ để cấp điện cho sản xuất giấy, không phát điện lên lưới điện quốc gia; - Nhà máy phát điện của Công ty TNHH Giấy Kraft Vina không có trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và của tỉnh. Tuy nhiên, theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án “Nâng công suất của nhà máy Kraft từ 250.000 tấn/năm lên 550.000 tấn/năm” được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1322/QĐ-UBND ngày 29/5/2015 thì trong quá trình hoạt động sản xuất của Công ty được phép đốt than để cấp nhiệt cho lò hơi, lò sấy và phát điện tự dùng không hòa với hệ thống lưới điện quốc gia. Hiện tại, Công ty có Công văn số 18/2018-GD-VKPC ngày 28/12/2018 đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét bổ sung nhà máy phát điện vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bình Dương. Như vậy, cả 3 công ty trên đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giấy đều được phép đốt than để cấp nhiệt cho lò hơi, lò sấy và phát điện tự dùng không hòa với hệ thống điện lưới điện quốc gia. - Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper đã lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho Dự án “Nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp công suất 1.000.000 tấn sản phẩm/năm và giấy tiêu dùng công suất 50.000 tấn sản phẩm/năm” và được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 1584/QĐ-STNMT ngày 15 tháng 7 năm 2016. Công ty TNHH Xưởng giấy Chánh Dương đã lập Báo cáo đánh giá động môi trường cho Dự án “Đầu tư mở rộng, nâng công suất nhà máy sản xuất giấy từ 108.000 tấn/năm lên 550.800 tấn/năm” và dược Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 977/QĐ-UBND ngày 21 tháng 4 năm 2015. Công ty TNHH Giấy Kraft Vina đã lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho Dự án “Nâng công suất của Nhà máy giấy Kraft từ 250.000 tấn/năm lên 550.000 tấn/năm” và được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1322/QĐ-UBND ngày 29 tháng 5 năm 2015. - Theo nội dung báo cáo ĐTM đã được phê duyệt củaa các Công ty trên thì trong quá trình hoạt động sản xuất các Công ty này được phép đốt than để phát điện và cấp nhiệt cho lò hơi, lò sấy ( ); việc sử dụng than phục vụ sản xuất theo quy định của pháp luật hiện nay là không cấm, việc lựa chọn nhiên liệu là than hay sinh khối do doanh nghiệp được quyền lựa chọn tùy theo công nghệ, thiết bị đốt, tuy nhiên dù chọn nhiên liệu nào thì cũng phải đảm bảo xử lý chất thải phát sinh đạt quy chuẩn cho phép thải ra môi trường. - Đến nay, trong quá trình hoạt động sản xuất, các Công ty này đã lắp đặt xong công trình xử lý khí thải, đồng thời đã lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống quan trắc tự động khí thải và kết nối dữ liệu về trạm điều hành trung tâm của Sở Tài nsuyên và Môi trường để giám sát, theo dõi liên tục. Theo kết quả giám sát thì hàm lượng các chất ô nhiễm trong khí thải đều nằm trong giới hạn cho phép trước khi thải ra môi trường.